Thưởng ngoạn vẻ đẹp mê hồn của đồi chè Cầu Đất

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016 0 nhận xét

Tọa lạc trên độ cao 1650 m, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 25 km về hướng Đông Nam, thị trấn Cầu Đất dần hiện ra sau nhiều cung đường đèo chạy qua những cánh rừng thông bạt ngàn.
dalat canyon tour

Có lẽ lý do đầu tiên khiến nhiều bạn trẻ đến với Cầu Đất không gì khác ngoài Đồi Chè 100 tuổi!
Trải dài trên diện tích 230 ha, đồi chè Cầu Đất dễ khiến những tín đồ của màu xanh lá phải ngỡ ngàng trước cảnh sắc “đất xanh ngắt, trời xanh trong”. Thêm vào đó, không gian yên tĩnh, không khí mát lành cùng hương gió vấn vương vị thơm thơm, chát chát đặc trưng của chè càng khiến Cầu Đất thêm phần hấp dẫn.
dalat canyon tour
Đồi Chè còn là nơi những đôi lứa trao nhau ước hẹn trăm năm. Nhiều đôi lứa tìm đến Cầu Đất đơn giản chỉ mong mang những nét bình yên, xanh thắm nơi đây vào bộ ảnh cưới của mình.

Hồ Phát Chi?
Cái tên nghe lạ lẫm nhưng đầy quen thuộc với người dân nơi đây. Hồ Phát Chi là hồ chứa nước dùng để tưới mát cho chè vào mùa khô hạn. Đi xa hơn qua đồi chè, xa xa là mặt nước yên tĩnh của hồ Phát Chi rộng lớn, êm đềm phẳng lặng, những lo toan, bộn bề trong cuộc sống thường nhật dường như tan biến .
dalat canyon tour

Cà phê moka?
Đến Cầu Đất, xử sở cà phê Lâm Đồng, nơi bạn không thể bỏ qua đặc sản cà phê Moka. Cà phê Moka cầu đất được mệnh danh là nữ hoàng cà phê vì sự quý hiếm và hương thơm đặc biệt của nó. Cà phê Moka mang đến một vị chua thanh thoát, hương thơm ngây ngất, sang trọng, hậu vị kéo dài làm say đắm những ai yêu thích cà phê.
dalat canyon tour
Đến trung tâm thị trấn bạn dễ dàng tìm được những quán cà phê nhỏ ven đường đậm chất dân dã nơi đây. Nhưng đừng xem thường hãy dừng lại và thử 1 lần nếm thử hương vị cà phê có một không hai này!

Một góc chợ Cầu Đất cho những ai yêu thích kiến trúc cổ! 
dalat canyon tour
Giờ thì vác ba lô lên và đi thôi!!!

------------------

--------------------------------------------
CÔNG TY TNHH THỬ THÁCH VIỆT - VIET CHALLENGE
Địa chỉ: 45 Trương Công Định, P.1, Đà Lạt
Điện thoại: 063 3546 677 - 090 1234 339
Web: www.thuthachviet.com - www.vietchallenge.com - www.canyoningvietnam.com

Thác Cam Ly nay còn đâu

0 nhận xét

Thác Cam Ly (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) từng được nhiều nhạc sĩ tài hoa ca tụng với những ca từ lãng mạn. Tuy nhiên đó là chuyện của ngày hôm qua…
Bạn đọc Đặng Trung Thành (TP.HCM) phản ánh: Do mật độ dân cư đông, một số người ý thức kém nên khu vực thượng nguồn thác hiện nay nước đen ngòm, rác trôi lềnh bềnh. Bên trong khu du lịch Cam Ly, du khách bất mãn khi bọt nước đen và có mùi ngai ngái.
Đề nghị chính quyền địa phương cho người dọn sạch rác, trả lại vẻ đẹp một thời cho thác Cam Ly. Ngoài ra, cần phạt và xử lý nghiêm đối với những ai vô tư xả rác, làm cho thác Cam Ly hết mê ly.

thác cam ly Đà Lạt
Bọt nước đen và mùi ngai ngái ở thác Cam Ly.

thác cam ly Đà Lạt
Rác ở thác Cam Ly.

thác cam ly Đà Lạt
Dòng kênh chảy từ hồ Xuân Hương ra thác Cam Ly mang theo nhiều rác.

Kinh nghiệm đặt phòng khách sạn Đà Lạt giá rẻ

0 nhận xét

Kinh nghiệm để đặt phòng khách sạn Đà lạt trực tuyến

Ngày nay với sự bùng nổ của mạng internet thì hầu hết mọi người đều google trước khi đến bất cứ địa điểm du lịch nào ở Đà Lạt. Tuy nhiên với một rừng thông tin hiện nay cũng rất khó cho du khách khi đặt phòng khách sạn Đà Lạt giá rẻ nhưng có chất lượng hợp lý.
Dưới đây là những kinh nghiệm do du khách khi muốn đặt phòng khách sạn Đà Lạt online như sau:
1. Google với từ khóa “khách sạn Đà Lạt” hay “khách sạn Đà Lạt giá rẻ” sau đó hãy lựa chọn những từ khóa mà google đề xuất cho bạn như “khách sạn đà lạt giá rẻ, gần chợ” từ đó khách sạn được đánh giá cao, có nhiều phản hồi tốt từ khách hàng.
chèo thuyền vượt ghềnh thác trên sông

2. Chú ý vị trí thực sự của khách sạn, có nhiều khách sạn có ghi là gần chợ,gần trung tâm nhưng thực chất là không đúng như vậy. Bạn chỉ nên chọn một số khách sạn nằm trên những con đường như sau: Phan Bội Châu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Chí Thanh hoặc xa hơn nữa là Bùi Thị Xuân. Các khách sạn nằm khác những con đường này chắc chắn không phải là những khách sạn Đà Lạt gần chợ.

3. Chú ý những khách sạn có bảng giá công khai được niêm yết ngay trên website của chính khách sạn đó (bạn hãy chú ý là ở website chính chủ nhé chứ không phải qua các website booking vì đó chưa chắc là giá chính thức của khách sạn.)

4. Hạn chế lựa chọn những website có danh bạ khách sạn cho các bạn booking vì đây là những website trung gian, nó tương tự như bạn mua voucher ở các deal mua chung vậy, chất lượng sẽ tương xứng với giá cả và hơn nữa những thái độ phục vụ của nhân viên khách sạn thường sẽ không hồ hởi như bạn book trực tiếp (trừ khi bạn book qua agoda những khách sạn cao cấp 4 – 5 sao nhé).

5. Hãy tham khảo đánh giá cũng chính khách hàng, những review công khai, đó cũng chính là cơ sở tốt nhất vì bản thân họ đã từng trải qua dịch vụ của khách sạn.

6. Chủ động đặt phòng sớm: cũng như vé máy bay vậy, nếu bạn đặt phòng sớm chắc chắn sẽ có giá ưu đãi hơn.
chèo thuyền vượt ghềnh thác trên sông
7. Hãy đặt phòng vào những mùa thấp điểm nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí: nếu bạn muốn du lịch đà lạt giá rẻ nhất, hãy lựa chọn đi vào các mùa ít khách như tháng 3 ,4 , 10,11 đây là những mùa thấp điểm, không chỉ khách sạn giá rẻ mà các nhu cầu du lịch ăn uống giải trí cũng sẽ có giá cả hết sức hợp lý.

---------------

White Water Rafting ( chèo thuyền vượt ghềnh thác trên sông ): http://thuthachviet.com/tour/cheo-thuyen-vuot-ghenh-thac-tren-song-57

-----------------------------------------------
CÔNG TY TNHH THỬ THÁCH VIỆT - VIET CHALLENGE
Địa chỉ: 45 Trương Công Định, P.1, Đà Lạt
Điện thoại: 063 3546 677 - 090 1234 339
Web: www.thuthachviet.com - www.vietchallenge.com - www.canyoningvietnam.com


5 trải nghiệm thú vị có thể bạn chưa biết khi đi du lịch Đà Lạt

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016 0 nhận xét

Đà Lạt là một địa điểm du lịch quá “quen mặt” ở Việt Nam, tuy nhiên có thể còn nhiều điều thú vị ở nơi đây mà bạn chưa từng được khám phá qua. Hãy xem thử 5 gợi ý mà Viet Challenge giới thiệu cho bạn dưới đây, qua trải nghiệm của blogger Mary để bổ sung thêm ý tưởng cho chuyến du lịch Đà Lạt sắp tới của bạn nhé!
dalat canyoning

Chúng tôi không nghĩ rằng mình lại dành nhiều thời gian để du lịch Đà Lạt đến vậy, sau 10 ngày rong ruổi khám phá những nẻo đường thú vị ở nơi đây, chúng tôi biết thật khó khăn để có thể rời bỏ Đà Lạt.
Đà Lạt là một trong những phố núi quyến rũ nhất ở Việt Nam, một nơi hoàn hảo để các cặp đôi hưởng một tuần trăng mật lãng mạn và tìm kiếm những cuộc phiêu lưu thú vị ở bên ngoài. Hơn bất cứ điều gì khác, tôi hy vọng bạn có thể thực hiện một chuyến đi “phượt” Đà Lạt, bởi thực sự có quá nhiều thứ để làm và nhìn ngắm ở nơi đây, và 5 điều gợi ý ở dưới chỉ là một góc nhỏ nhoi chúng tôi muốn bạn được trải nghiệm.

1. Thăm quan thác Pongour khi du lịch Đà Lạt

Nằm cách thành phố Đà Lạt khoảng 40km về phía Nam là Thác Pongour (hay còn gọi là thác Bảy Tầng). Tùy điều kiện khác nhau, bạn có thể thuê một chiếc xe máy hoặc một chiếc xe ô tô du lịch và thỏa thích tận hưởng phong cảnh tuyệt vời mà thác Pongour mang lại.
Chúng tôi đến nơi đây sau khi trên đường ra khỏi Đà Lạt để di chuyển xuống Mũi Né, và quyết định dừng lại ghé thăm thác nước là việc làm tôi cảm thấy vui vẻ nhất. Bạn phải leo qua một số đoạn dốc để xuống đến phía dưới của thác nước, và khung cảnh xung quanh hoàn toàn xứng đáng để bạn phải “ngẩn ngơ”. Tuy nhiên, bạn nhớ phải cẩn thẩn khi di chuyển trên những tảng đá ở trên thác, bởi vì chúng khá trơn trượt.
dalat canyoning
Vẻ đẹp của thác Pongour

2. Đi xe máy dạo quanh hồ Lắk

Nếu bạn muốn trải nghiệm một chút hương vị của vùng cao nguyên trên một chiếc xe gắn máy, thì hồ Lắk chính là điểm đến sẽ khiến khách du lịch Đà Lạt phấn khích. Hồ được bao quanh bởi những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, và là nơi lý tưởng để bạn dành một đêm nghỉ ngơi yên tĩnh phía bên ngoài thành phố Đà Lạt. Xung quanh nơi đây cũng có rất nhiều khu nghỉ dưỡng xinh đẹp, do vậy bạn sẽ dễ dàng thuê được cho mình một nơi nghỉ ngơi thoải mái. Sau hành trình khám phá hồ Lak, bạn sẽ có thêm nhiều lựa chọn vui chơi như: Quay trở lại Đà Lạt, hoặc tiếp tục từ đây lên Buôn Ma Thuột để tham quan các đồn điền cà phê và trà hay di chuyển xuống bãi biển xinh đẹp Nha Trang.
dalat canyoning
Hồ Lắk trông thật huyền ảo khi hoàng hôn buông xuống

3. Đi cáp treo lên Thiền viện Trúc Lâm

Lúc đầu, chúng tôi muốn đi cáp treo như là một hoạt động thường có của một khách du lịch Đà Lạt, chúng tôi thực sự không biết tuyến cáp treo ấy sẽ đưa chúng tôi đến đâu, và những điều gì đang chờ đợi ở phía trước. Tuy nhiên, khi tuyến cáp đưa chúng tôi đến với Thiền viện Trúc Lâm, thì tôi biết chúng tôi sẽ thực sự được yêu thương ở đây. Thiện viện nằm bên cạnh hồ Tuyền Lâm xinh đẹp, xung quanh là những khu vườn hoa rực rỡ sắc màu, bạn có thể đi dạo chơi xung quanh mà không cảm thấy buồn chán. Sau đó, chúng tôi vô tình được một đoàn quay phim về du lịch mời phỏng vấn, họ muốn chúng tôi nói về cảm nghĩ khi đến đây, và cả tôi và chồng tôi là Derek đều nghĩ rằng nơi đây rất thanh bình và yên tĩnh, một nơi rất tuyệt vời.
dalat canyoningThiền viện Trúc Lâm


4. Thử thách với những trò chơi mạo hiểm

Có rất nhiều những trò chơi mạo hiểm bạn có thể thực hiện khi đi du lịch Đà Lạt, tuy nhiên chúng tôi muốn thử sức mình ở trò vượt thác nước, một trải nghiệm có lẽ không dành cho những du khách “yếu tim”. Có rất nhiều công ty du lịch Đà Lạt thường xuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, bạn có thể tùy vào sức khỏe và sự yêu thích, chọn lựa những trò chơi phù hợp với mình.
dalat canyoning

5. Thưởng thức một ly cà phê trong khung cảnh lãng mạn

Chúng tôi đã thực sự bị “choáng” bởi sự phong phú của những quán cà phê ở Đà Lạt. Các quán ở nơi đây được trang trí rất đẹp mắt, với không gian tràn ngập sắc hoa, phải nói thêm rằng bạn sẽ bắt gặp các loài hoa rực rỡ ở khắp các ngóc ngách của Đà Lạt. Du lịch Đà Lạt sau những chuỗi hành trình thú vị, dừng chân bên một quán cà phê xinh xắn ven đường, thưởng thức cà phê trong tiếng nhạc du dương… sẽ là những trải nghiệm khiến bạn nhớ mãi.
dalat canyoning
------

[ Cảm nhận ] - Chèo thuyền vượt ghềnh thác ở Đà Lạt

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016 0 nhận xét

Hai anh em tôi vốn thích phiêu lưu mạo hiểm, khám phá những điều mới lạ, vượt qua điểm yếu của bản thân...
Khi biết được thông tin Đà Lạt có nhiều tour du lịch mạo hiểm, chúng tôi đã lên kế hoạch ngay cho dịp nghỉ. Và tour chèo thuyền vượt ghềnh thác trên sông là sự lựa chọn để biến giấc mơ của chúng tôi thành hiện thực
rafting vietnam

Chuyến đi của chúng tôi còn có thêm một người việt và 5 khách nước ngoài. Hướng dẫn viên cho biết, Chèo thuyền vượt thác trên sông là một trò chơi đòi hỏi tinh thần đồng đội, sự mạo hiểm và lòng dũng cảm. Tôi nghĩ đến việc được cầm mái chèo ngồi trên thuyền hơi, băng qua thác ghềnh, nước tung bọt trắng xóa, rồi trôi đi giữa thiên nhiên hoang dã là đã thấy nóng người.
Tour chúng tôi chọn là tour raft trên sông Đạ Đờn (Đạ = sông, Đờn = lớn, có nghĩa là sông lớn theo ngôn ngữ của đồng bào Tây Nguyên), dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên.
rafting vietnam

Khi chúng tôi đến điểm tập kết, đã có vài khách ở đó. Chúng tôi nhận mái chèo, áo phao và đội mũ bảo hiểm. Du khách được yêu cầu cất hết tài sản vào túi chống nước, trừ máy ảnh chuyên dụng.
Tốc độ dòng chảy vào mùa mưa khá nhanh và mạnh. Lòng sông không quá sâu nhưng gập ghềnh đá. Chiếc thuyền lao đi, va vào các tảng đá, các tay chèo loay hoay đẩy thuyền ra, rồi lại lao đi. Hướng dẫn viên yêu cầu chúng tôi nhét chân vào dây cố định trên thuyền để giữ thăng bằng, và chèo thật mạnh về phía trước.
Chiếc thuyền chồm lên rồi ngụp lặn xuống, nước tung bọt trắng xóa nuốt chửng chúng tôi, rồi lại nhả ra. Tiếng la hét rất phấn khích. Trong tích tắc, chiếc thuyền bị nhấn sâu xuống ghềnh thác và lập úp. Chúng tôi bị nhấn chìm trong mấy dây trước khi ngoi được lên thở. Cảm giác lúc đó rất sợ hãi. Nhưng ngay lập tức, hướng dẫn viên nhấc chúng tôi vào lại trong thuyền và tiếp tục cuộc hành trình.
Hành trình trải qua hơn 10 km và phải vượt qua tổng cộng là 11 ghềnh thác. Mức độ khó dễ xen kẽ, nên mỗi lần đều có cảm giác rất khác nhau.
rafting vietnam

Cả dòng sông được ôm trong thung lũng, nên cảnh quan đôi bờ rất đẹp và thơ mộng. Rất nhiều trang trại trồng cà phê, các triền núi đầy bò, các làng dân tộc thiểu số.
Chúng tôi kết thúc tại một làng dân tốc K’ho. Đường vào làng là một chiếc cầu treo bắc qua dòng sông. Trẻ con ở đây đứng đợi chúng tôi từ  trước để được dùng những chiếc thuyền hơi chơi. Chúng đứng trên cầu, nhảy tùm xuống sông rồi lại cười vang.
rafting vietnam

Kết thúc hành trình lúc 13h30, mỏi mệt và đói nên tôi lao vào bữa ăn như một chiến thần. Sau đó chúng tôi quay về Đà lạt, trên đường ghé thăm Thác Voi cao 35m. Bạn có thể đứng trên đỉnh thác hay chui xuống chân thác để chụp hình. Công ty du lịch Viet Challenge ( nơi chúng tôi đăng ký tour du lịch chèo thuyền vượt ghềnh thác ) còn cho chúng tôi thăm công ty sản xuất lụa tơ tằm, thưởng thức món dế béo ngậy tại trang tại nuôi dế của anh cử nhân Anh văn bỏ phố về làng.

----------
Chèo thuyền vượt ghềnh thác tại Đà Lạt ( Rafting Vietnam ): http://thuthachviet.com/tour/cheo-thuyen-vuot-ghenh-thac-tren-song-57

Đà Lạt xưa và bác sỹ Yersin

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016 0 nhận xét


Bác sĩ ALEXANDRE JOHN-EMILE YERSIN khi đặt chân lên cao nguyên Lang Biang đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển Đà Lạt...
Đà Lạt là một thành phố trẻ, sớm hấp thụ nền văn minh Âu châu và mới được khám phá trong vòng hơn một trăm năm nay. Trước năm 1975, Đà Lạt là một nơi để du lịch và để nghỉ ngơi dưỡng rất sức lý tưởng, với diện tích 417km2, trải mình trên những ngọn đồi uốn lượn chập chùng với một vẻ quyến rũ độc đáo riêng
Thành phố Đà Lạt nằm trong cao nguyên Lang Biang, phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh với huyện Đức Trọng và Đơn Dương; Bốn phía Đà Lạt là núi đồi xanh tươi, rừng rậm bao la. Đà Lạt ở giữa những ngọn núi cao như núi Lang Biang (2.167m), phía Tây Nam là núi Voi (1.800m), phía Bắc là đỉnh Lapbe Bắc (1.732m), án ngữ phía Tây Nam là đỉnh Lapbe Nam (1.707m). Vĩ độ 10,57. Kinh độ 108,20. Cao trung bình so với mặt biển là 1.500m. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là Nhà Bảo Tàng (1.532m), và nơi thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương (1.398m). Đà Lạt cách biển Thuận Hải theo đường chim bay là 90km, nhưng theo quốc lộ 11 đến Phan Rang là 108km, cách Sài Gòn 250km theo đường chim bay và theo quốc lộ 20 là 305km.  Đất thành phố này được phủ bằng một lớp đá huyền vũ, lâu ngày bị mủn ra thành đất đỏ pha cát và đất sét. Sông chính chảy qua Đà Lạt là Cam Ly, phát nguồn từ đỉnh núi You Boggey, chảy xuống hồ Than Thở rồi chảy ra sông Đa Dung. Đà Lạt có hồ Xuân Hương và một số hồ khác như Mê Linh, Vạn Kiếp, Ankroet…Khí hậu Đà Lạt mát mẻ với hai mùa mưa nắng: mùa nắng từ tháng Mười Một đến tháng Tư và mùa mưa, thường là mưa phùn, từ tháng Năm đến cuối tháng Mười. Đà Lạt có nhiều con đường bộ nối với nhiều tỉnh phía Bắc và phía Nam. Phi trường chính của thành phố ở Cam Ly.
     Trước đây, Đà Lạt có những cơ quan chuyên môn và viện đại học như Trung Tâm Thực Nghiệm Lâm Sản, Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc, Khu Thủy Lâm, Nha Quản Đốc Thủy Điện Đa Nhim, Nha Địa Dư, Viện Pasteur, Viện Đại Học Đà Lạt, Trường Võ Bị Quốc Gia, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Về dân cư thời đa số đồng bào sinh sống tại Đà Lạt là người Kinh, còn lại là người Thượng sắc tộc Lạch (M’Lates, Lat, Lạt) và Chill. Dân chúng theo đạo Phật, Thiên Chúa, Tin Lành và Cao Đài. Năm 1905, Đà Lạt chỉ có khoảng 60 người Kinh. Tới thời điểm trước năm 1975 thành phố Đà Lạt, gồm có khoảng 116.000 dân, được chia làm 12 phường và 3 xã. Về mặt kinh tế, được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, đất đai phì nhiêu nên phần đông dân Đà Lạt sống bằng nghề trồng rau và hoa quả. Đất của thành phố này không dùng vào việc trồng lúa. Một số làm tiểu thủ công nghiệp. Sau đó, thương mãi và dịch vụ du lịch cũng phát triển. Ngoài ra, dân Đà Lạt còn làm nghề khai thác lâm sản và khoáng sản quý (khai thác vàng ở Tà In) đất sét trắng, cát núi, đá quý...
canyoning Vietnam
Một góc thành phố Đà Lạt những năm 1960.
 Về những vùng đồng bào dân tộc ít người quanh thành phố đã đi vào định canh định cư, đời sống tương đối ổn định. Ngoài việc khai thác lâm sản, săn bắn, họ đã biết đầu tư cho việc sản xuất cây công nghiệp, làm kinh tế vườn: cà phê, dâu tằm, xen kẽ việc trồng lúa, hoa mầu. Về nông nghiệp trước hết phải kể đến là rau. Đà Lạt nhiệt độ ôn hoà, lượng mưa vừa phải với ánh nắng mặt trời rực rỡ quanh năm, đất đai giàu có, mầu mỡ là những điều kiện thuận lợi thích hợp cho các loại rau miền ôn đới. Đà Lạt cung cấp nguồn rau cho Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Rau Đà Lạt rất phong phú về chủng loại gồm có: cà rốt, xà lách, xà lách son, su su, su hào, cải bông, khoai tây, hành tây, tỏi, cải bắp thảo, artichaut, bố sôi, cải xoong…Kế đến là các loại hoa được trồng nhiều để sản xuất như hoa hồng, uất kim cương, huệ tây, lay ơn… Rừng Đà Lạt có nhiều loại lan rất nổi tiếng. Rồi đến các thứ quả. Đáng kể nhất có lẽ là trái hồng, có thể chế biến được thành trái hồng khô và rượu. Ngoài ra còn có mận Trại Hầm thơm ngon, trái dâu tây, táo tây, đào lông, trái bơ, chuối...  Về mặt dược liệu thời Đà Lạt có nhiều cây dược liệu quý như artichaut, các loại sâm, trầm hương, kỳ nam... Đà Lạt có công nghệ chế biến artichaut xuất khẩu. Về các cây công nghiệp thời đất Đà Lạt cũng phù hợp với những loại cây công nghiệp như trà, cà phê, dâu tằm... Đồn điền Trà Cầu Đất có diện tích khá lớn. Hàng chục loại thảo mộc đặc biệt như tùng, bách, trắc bá diệp, bạch đàn, dẻ, sồi, canh ky na, ca cao... Chỉ riêng thông đã có đến 5 loại thông khác nhau. Về mặt chăn nuôi thời Đà Lạt có nhiều đồi cỏ thích hợp với việc chăn nuôi. Việc chăn nuôi bò sữa đã phát triển. Trước kia tại Đà Lạt có những trại chăn nuôi lớn như: trại Dankia, trại Faraut, Grillet ở Suối Tía, trại gà Scala... Tuy là một vùng đất có nhiều hồ nước, nhưng việc nuôi cá nước ngọt chưa được quan tâm để phát triển đúng mức.     
Khoáng sản chỉ có các hầm đá dùng để xây đường xá và cao lanh dùng làm đồ gốm. 
     Về lâm sản thời lâm sản chủ yếu của Đà Lạt là nhựa thông và gỗ thông. Đây là nguồn tài nguyên khá phong phú, có giá trị xuất khẩu cao. Về tiểu thủ công nghiệp thời chủ yếu chỉ phát triển ở một số nghề đan, móc, thêu xuất khẩu, tranh cưa lộng, tranh bút lửa. Hàng thêu, đan len của Đà Lạt được các du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Chợ Đà Lạt là một trong những chợ đẹp nhất Việt Nam. Chợ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Chợ Đà Lạt nằm ở trung tâm thành phố nhìn ra hồ Xuân Hương. 
canyoning VietnamToàn cảnh chợ Đà Lạt những năm 60.
Chợ Đà Lạt giới thiệu với du khách những mặt hàng tiểu thủ công do những bàn tay “tài hoa” của người dân Đà Lạt hội tụ từ mọi miền Tổ quốc làm ra như áo, mũ bằng lông thú, hộp bằng mây, làn xách tay bằng tre ngà. Các loại hoa ép, các khúc gỗ, mẫu cây để lấy lan rừng. Và đặc biệt những bức chạm vẽ vào gỗ thông bằng bút lửa.  Thuở xa xưa Đà Lạt chỉ là một vùng đồi núi hoang vu thuộc dãy núi Lang Biang, chỉ có vài con đường nhỏ và lác đác vài căn nhà sàn của đồng bào Thượng. Thời gian thực dân Pháp mới xâm chiếm nước ta, vùng đất Đà Lạt thuộc quyền cai trị của một tù trưởng người Thượng tên là YAGUT đã từng nổi tiếng chống lại thực dân. Sau này, dân chúng trong vùng nhớ công ơn này và đặt một con đường mang tên ông. Trong cuộc mở mang đất đai về phía Nam của tổ tiên ta vùng Đà Lạt được sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa, nhưng việc khai thác miền sơn cước chưa được các triều đình lưu ý đến. Cho đến khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, họ cử phái đoàn YERSIN lên nghiên cứu vùng này vào năm 1897.  Đà Lạt đã được khám phá ra trong giai đoạn đất nước mất chủ quyền vào tay người Pháp. Vì muốn mở rộng vùng đất bảo hộ nên người Pháp đã tìm cách mở rộng lãnh thổ Việt Nam. Đà Lạt là một phần đất được mở rộng đó.
Bác sĩ ALEXANDRE JOHN-EMILE YERSIN khi đặt chân lên cao nguyên Lang Biang đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển Đà Lạt, góp phần biến Đà Lạt từ một vùng đất hoang sơ của người Lạch thành một thành phố nổi tiếng đến bây giờ. Nhưng dựa theo những văn kiện hành chánh thời tính tới năm 1999 Đà Lạt có tuổi đời vừa đúng một trăm năm. Năm 1899 toàn quyền Paul Doumer ban hành nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, một khu vực hành chánh mới trực thuộc Trung Kỳ, bao gồm một vùng đất rộng lớn từ thượng lưu sông Đồng Nai đến ranh giới các lãnh thổ Nam Kỳ và Nam Lào. Tòa công sứ tỉnh đặt tại Di Linh và hai trạm hành chánh phụ thuộc, một tại Tánh Linh và một tại Lang Biang là tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này. Lúc đó thời người Pháp phân vân giữa việc chọn làng Dankia (cạnh đập Ankroet, Suối Vàng) và làng K'Mlây (Cam Ly, vị trí Đà Lạt ngày nay) để xây một trung tâm nghỉ dưỡng tại Đông Dương. Cả hai nơi này đều nằm trong cao nguyên Lang Biang và chỉ cách nhau 15km. Vào năm 1906 Đà Lạt được chọn làm địa điểm xây dựng chính thức dựa vào ba ý kiến sau:  - Thứ nhất là báo cáo của giám đốc nông nghiệp và thương mại Đông Dương khởi xướng thành lập một trung tâm thí nghiệm trồng hoa quả ôn đới mà thành quả là các giống bắp cải, khoai tây, cà rốt và mận đào được gieo trồng khắp Đà Lạt. - Thứ nhì là của thiếu tướng trưởng ban khảo sát xây dựng một đồn quân sự trên cao nguyên. Ông đề xướng xây dựng một đồn lính canh để bảo vệ các công trình xây dựng thành phố. - Thứ ba là của một nhà trắc địa và là thị trưởng Đà Lạt. Ông đã phác thảo một đồ án thiết kế được nhiều kiến trúc sư dựa theo để quy hoạch thành phố Đà Lạt sau này.
     Thế là từ một làng thổ dân hẻo lánh Đà Lạt đã biến thành một đô thị tân tiến, một trung tâm du lịch, một thành phố văn hóa, một tài sản quý. 
     Đà Lạt trước kia được ví như một mỹ nhân:
“Như là thiếu nữ mỹ miều
Khoác ngoài chiếc áo diễm kiều phương Tây
Nép mình quý phái bên cây
Yên bình đọc sách, tóc mây buông dài.”    
                  (Tâm Minh) 
     Công lao lớn nhất vẫn thuộc về bác sĩ Yersin là người khám phá ra cao nguyên Lang Biang và chính ông đã vận động chọn nơi này làm trạm nghỉ dưỡng tại Đông Dương. Yersin là một vĩ nhân. Tiểu sử ông có trong các tự điển danh nhân thế giới. Ông sinh năm 1863 tại Thụy Sỹ. Sau một thời gian theo học tại các trường đại học ở Thụy Sỹ và Đức, Yersin sang Pháp học tiếp ngành y khoa, tốt nghiệp bác sĩ năm 1888 và làm việc tại phòng thí nghiệm do bác sĩ Louis Pasteur sáng lập cùng với bác sĩ Emile Roux. Năm 1894 Yersin khám phá ra vi trùng bệnh dịch hạch và trở nên nổi tiếng. Vì có óc mạo hiểm, Yersin quyết định nhập quốc tịch Pháp năm 1888 để có cơ hội phiêu lưu. Năm 1890 cơ hội đến, Yersin xin làm việc tại hãng tàu biển Messageries Maritimes ở Marseille và được cử sang Đông Dương phục vụ trên các chuyến tàu Sài Gòn - Manila và Sài Gòn - Hải Phòng, lúc đó ông tròn 27 tuổi. Trên đường từ Sài Gòn ra Hải Phòng tàu của ông thường cập bến Nha Trang nghỉ vài ngày. Năm 1891 khi tàu vừa bỏ neo ông xin thuyền trưởng cho xuống tàu để tổ chức một cuộc thám hiểm lên cao nguyên, với dự định băng rừng đi từ Nha Trang vào Sài Gòn trong vòng 10 ngày, nhưng không thành công. Phái đoàn của Yersin gồm sáu người đi gần đến Di Linh thì phải trở lui vì tới ngày tàu của ông nhổ neo ra Hải Phòng. Cuối năm 1891 Yersin xin nghỉ việc để có thì giờ thực hiện các cuộc thám hiểm riêng. Năm 1892 Yersin thực hiện cuộc thám hiểm lần thứ hai. Yersin đi từ Nha Trang sang Stung Treng, băng qua cao nguyên Darlac. Sau chuyến thám hiểm này, Yersin về lại Paris và được bộ giáo dục Pháp cấp kinh phí để thực hiện công tác khảo sát khoa học trên cao nguyên Đông Dương.
Dalat canyon
Cầu đường sắt Tân Đức trên tuyến đường ray nối từ Phan Rang lên Đà Lạt năm 1926.
 Trở lại Sài Gòn năm 1893 Yersin được toàn quyền Lanessan giao nhiệm vụ khảo sát, mở một tuyến đường bộ đi từ Sài Gòn ra Phan Thiết xuyên cao nguyên. Sau chuyến đi này Yersin nắm vững một phần địa hình và dân cư trên cao nguyên. Tháng 4 năm 1893 ông quyết định tổ chức một cuộc thám hiểm thứ ba từ Phan Rí và Tánh Linh, băng qua những vùng đất lạ phía Đông Bắc. Lần này đoàn thám hiểm được trang bị rất hùng hậu: 80 phu khuân vác, 6 ngựa và một voi. Kết quả cuộc khảo sát này không làm ông hài lòng vì không thể thiết lập một con đường xuyên qua vùng này, các thung lũng thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa, vả lại dân cư bản địa không đông để có thể chiêu mộ làm đường. Yersin liền tổ chức một chuyến thám hiểm khác từ Tánh Linh đi Phan Rang xuyên lên cao nguyên phía Bắc. Lần này phái đoàn đi dọc tả ngạn sông La Ngà, tới làng Droum, băng qua sông La Ngà rồi đi dọc hữu ngạn con sông lên phía Bắc, vượt qua sông Đa Riam và Đa Dung (thượng nguồn sông Đồng Nai) tới núi Tadoung (1.974m), rồi quay về làng Riong nghỉ chân. Từ Riong, Yersin cùng bốn phu khuân vác đi ngược sông Da Tam (một chi lưu sông Đa Nhim) về phía Đông đến các làng Kréan (sau này là Fimnom), Brenne (làng Thiên Sa, gần thác Prenn), rồi tiến lên dãy núi phía Tây Bắc. Sau gần một giờ leo núi, phái đoàn trèo qua thác Datanla (thác Mây) đến một thung lũng nhỏ có một dòng nước chảy qua. Khi đi dọc theo con suối nhỏ trong thung lũng, phái đoàn Yersin tiếp xúc với người Lạch (một sắc dân K’Ho) và được biết con suối nhỏ đó tên là Dak K'Mlây (Cam Ly). Đi thêm độ hơn chục cây số và vừa ra khỏi rừng thông 3 lá phái đoàn nhìn thấy hiện ngay ra trước mắt là cao nguyên Lang Biang! Lúc đó là 15 giờ 30 ngày 21 tháng 6 năm 1893. Trong sổ hành trình Yersin viết: “3 giờ 30, cao nguyên rộng lớn trơ trụi lồi lõm”. Trong hồi ký Yersin mô tả cao nguyên: “...Khoảng 15 đến 20 cây số trước khi đến chân núi, chúng tôi ra khỏi rừng và đứng trước một vùng đất hoàn toàn trơ trụi, phủ đầy cỏ. Mặt đất dợn lên những lượn sóng dài làm cho chúng tôi có cảm tưởng như đang trên một vùng biển đầy sóng lớn. Núi Lang Biang đứng sừng sững trước mắt như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi chúng tôi tiến tới. Trước những cánh đồng rộng lớn này, thật khó tính được cự ly chính xác. Đáy thung lũng là đất bùn đen. Nhiều đàn nai để chúng tôi đến gần độ trăm mét rồi vụt chạy, thỉnh thoảng chúng còn ngoái đầu nhìn lại chúng tôi một cách tò mò...” Yersin đã đứng ngẩn ngơ trước khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp của cao nguyên Lang Biang. Ông thấy đồi núi cũng có những ngọn sóng thần kỳ ảo hơn cả biển khơi. Hướng Tây Bắc đỉnh núi Lang Biang sừng sững ở chân trời, làm cho khung cảnh tươi đẹp thêm hùng tráng. Như lạc vào một mảnh đất thần tiên, quên hết bao mệt nhọc. Độ 15 phút sau, phái đoàn lội qua suối Cam Ly tiến về phía Tây Bắc đến làng Deung, sau đó vượt sông Đa Dung (thượng nguồn sông Đồng Nai) đến làng Dankia.
     Trong hồi ký, Yersin viết: “Vùng đất này dân cư thưa thớt, một vài làng người M’Lates sống tập trung dưới chân núi, những ruộng lúa nước rất đẹp. (...) Người M’Lates nói thạo tiếng Chăm cũng như tiếng Mạ. Phụ nữ có vành tai thật rộng để xỏ vào đó những vành tròn hay treo vào đó những ống thiếc hình xoắn ốc rất nặng. Dân chúng tiếp tôi trong căn nhà làng. Mỗi già làng mang tới vò rượu cần của mình. Có đến sáu vò rượu xếp hàng dài trước mặt tôi, cũng may là người ta không bắt tôi phải thưởng thức hết. Tôi chỉ ngủ lại đêm ở Dankia, rồi trở về Riong dưới một cơn mưa tầm tã. Trời mưa khiến cho sườn dốc rất trơn trượt và biến những dòng suối nhỏ thành những dòng sông thật sự, rất nguy hiểm khi vượt qua. Trong thời gian tôi đi vắng, một con cọp cố vồ lấy một trong những con ngựa của tôi đứng ngay trong hàng rào của trại. Anh thợ săn người Việt mà tôi để lại ở Riong tổ chức chiến đấu. Anh ta chỉ bắn bị thương con cọp. Con thú dữ này trong khi chạy trốn đã vồ hai người Thượng bị thương nặng...” Yersin đã gặp bộ tộc M’Lates (tức là Lạch) trên một dòng suối nhỏ của một thung lũng xanh biếc nên có lẽ tên DALAT có từ đây. (Da: Dak, theo tiếng Thượng có nghĩa là nước, suối, sông. Lat: M'Lates, Lạch. DALAT: suối của người Lat). 
     Có một sự trùng hợp khá thú vị. Người ta kể rằng Yersin thông thạo tiếng Latin, đã cho DALAT là một nơi:
“Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem”
(Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát dịu)
     Kỳ diệu sao khi ông phát hiện những chữ đầu của câu đó lại ghép thành tên mảnh đất thần tiên này: D.A.L.A.T. Sau năm 1954 người Việt thêm dấu phiên âm nên đọc và viết thành ĐÀ LẠT. Vì thời gian quá cấp bách và nguồn lương thực cạn dần, Yersin chỉ lưu lại cao nguyên Lang Biang một ngày một đêm rồi trở lại làng Riong tìm đường rừng xuống Phan Rang. 
Dalat canyon
Đà Lạt những năm đầu 1936.
     Trên đường về, khi phái đoàn băng qua thung lũng sông Đa Nhim thì bị một nhóm người võ trang tấn công. Nhóm này gồm khoảng 30 người chia làm 5 tốp do một người tên là Thước cầm đầu. Đây là những tù nhân chính trị đã phá nhà tù Phan Rí, giết quan án sát và tổ chức nổi dậy nhưng không thành công, họ tấn công kho đạn và lấy đi nhiều súng ống rồi rút lên cao nguyên. Vốn là những người đồng bằng, không nắm rõ địa hình khu vực rừng núi, và tình cờ biết có một đoàn thám hiểm trên cao nguyên, nhóm kháng chiến quân liền đi theo dấu để tìm đường xuống Phan Rang đánh phá các đồn bót Pháp. Trong cuộc chạm chán này cả Yersin lẫn toán kháng chiến quân đều bị thiệt hại nặng. Yersin bị thương, được đưa về Phan Rang để chữa trị. Nhóm kháng chiến quân cũng về lại đồng bằng tổ chức các cuộc đánh phá nhưng vì thế cô, sức yếu, thủ lãnh tên Thước bị bắt tại Nha Trang và bị chém đầu. Yersin có đến dự buổi hành quyết và trong thư gửi cho mẹ, ông tỏ ý thán phục con người can đảm không sợ chết này. Trở lại cao nguyên Lang Biang. Kết quả cuộc khám phá này được Yersin công bố trên báo cuối năm 1893 và được chính quyền thuộc địa Pháp chú ý một cách đặc biệt. Tháng 12-1893 Hội Đồng Thuộc Địa cấp cho Yersin một kinh phí mới để thực hiện một cuộc thám hiểm khác từ Nha Trang băng qua cao nguyên tìm đường xuống Đà Nẵng. Đoàn thám hiểm đi từ Nha Trang đến Dankia bằng một lộ trình mới dọc theo chân núi, băng qua thung lũng các phụ lưu sông Cái, men theo các khe suối lên tới làng Diom thuộc cao nguyên Dran (Đơn Dương). Từ Diom, Yersin theo đường mòn Prenn đến Dankia lần thứ hai. Từ Dankia, ông tìm đường lên cao nguyên Darlac và Kontum để đến Attopeu (Hạ Lào) rồi băng rừng tìm đường về Đà Nẵng. Cuộc thám hiểm này bắt đầu vào tháng 2 và kết thúc vào tháng 5-1894. Hai lần tiếp xúc với cao nguyên Lang Biang đã để lại trong lòng Yersin nhiều ấn tượng đẹp. Nhận thấy cao nguyên phong cảnh đẹp đẽ lại có khí hậu mát mẻ nên trong suốt thời gian sau Yersin đã tích cực vận động với các cấp chính quyền thuộc địa để xây dựng lập một thành phố dưỡng bệnh và nghỉ mát tại đây. Cố gắng này trùng hợp với ước muốn của toàn quyền PAUL DOUMER lúc đó cũng vừa tới Đông Dương nhậm chức. Năm 1897 trên đường sang Đông Dương, Doumer đã có dịp ghé thăm Ấn Độ và Indonésia. Tại hai nơi này ông thấy người Anh và người Hòa Lan đã thành lập nhiều khu nghỉ dưỡng có khí hậu mát mẻ gần giống châu Âu, nên ông có ý định thành lập những khu tương tự tại Đông Dương để cư dân Pháp lên nghỉ dưỡng sức thay vì về lại mẫu quốc, quá tốn kém. Doumer gửi thư cho thống sứ Bắc Kỳ và khâm sứ Trung Kỳ yêu cầu tìm địa điểm thiết lập những khu nghỉ dưỡng cho kiều dân Pháp tại Đông Dương: “Có độ cao tối thiểu 1.200m, dồi dào nguồn nước, có thể canh tác rau quả và thiết lập đường giao thông dễ dàng”. Tháng 8-1897, theo lời đề nghị của Yersin, cao nguyên Lang Biang được Paul Doumer chọn làm thí điểm xây dựng. Paul Doumer cho khởi công xây sở khí tượng và trạm thí nghiệm trồng trọt, đồng thời mở một con đường từ duyên hải lên tận cao nguyên. Thành phố Đà Lạt bắt đầu có mặt từ đó.
 Sau này, khi hay tin dịch hạch đang hoành hành ở Trung Hoa nên Yersin thân hành đi Quảng Đông rồi Hồng Kông. Kết quả nghiên cứu cho thấy vi trùng gây dịch hạch ở người và cũng là vi trùng gây bệnh ở chuột. Mẫu vật được gởi về viện Pasteur ở Paris để kiểm chứng, và từ đó vi trùng dịch hạch mang tên Yersin. Năm 1895, Yersin lập viện Pasteur ở Nha Trang, rồi về Pháp hợp tác với hai bác sĩ Calmette và Roux tìm ra thuốc chủng ngừa dịch hạch, năm sau ông trở lại viện Viễn Đông mang theo thuốc chủng ngừa mới tìm ra. Tháng 6 năm 1896, dịch hạch tái phát ở Quảng Châu và Hạ Môn. Yersin đến tận nơi dùng thuốc cứu sống nhiều người. Sau đó, ông trở lại Việt Nam và làm việc ở viện Pasteur Nha Trang cho đến ngày qua đời. Trong khoảng thời gian này, từ 1902 đến 1904, Yersin được Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer mời ra Hà Nội để đảm trách việc sáng lập và điều khiển trường Cao Đẳng Y Khoa mà ta quen gọi là Trường Thuốc. Ngoài lãnh vực y khoa và thám hiểm Yersin còn là một nhà nông học tài giỏi. Ông đã trồng thí nghiệm và thành công với nhiều loại cây nhiệt đới. Yersin sống giản dị, thường chỉ mặc quần áo bằng vải kaki vàng, cưỡi xe đạp đi làm từ nhà đến sở. Ông lại có lòng nhân ái, thương người bình dân, ít học, nghèo khó, thương cả muông thú. Người dân Việt thân mật gọi ông là Ông Năm.
     Ngày 28 tháng 6 năm 1935 Yersin được vinh dự mời đến chủ tọa lễ khánh thành một ngôi trường ở Đà Lạt mang tên Yersin, gồm hai trường Le Petit Lycée và Le Grand Lycée trước đó nhập lại. Yersin đã đọc đáp từ sau:  “Tôi rất cảm động về cảm tình các em dành cho tôi. Các em hãy tin chắc rằng tôi rất quý mến các em. Các em tập họp quanh tôi làm cho tôi trẻ lại và gợi nhớ đến thời xa xưa. Ngày ấy, là một học sinh trẻ tuổi, tôi thường táo bạo mơ mộng đến một tương lai đầy mạo hiểm mà hoàn cảnh cho phép tôi thực hiện.  Các em khiến tôi hồi tưởng lại sự phát hiện cao nguyên Lang Biang vào tháng 6 năm 1893 trong một chuyến đi khảo sát với mục đích thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung Kỳ lúc bấy giờ hoàn toàn chưa ai biết đến. Ấn tượng của tôi thật sống động khi vừa ra khỏi rừng thông, tôi đứng trên bờ của một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và mấp mô có ba đỉnh núi Lang Biang chế ngự. Mặt đất nhấp nhô khiến tôi liên tưởng đến biển cả xao động vì một ngọn sóng khổng lồ như thường thấy trên bờ biển miền Trung vào lúc trời sắp giông bão. Không khí mát mẻ làm cho tôi quên đi nỗi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy lên chạy xuống hết tốc lực trên những ngọn đồi xanh tươi như một cậu học trò nhỏ...”   Bác sĩ Yersin mất ngày 1 tháng 3 năm 1943 tại Nha Trang, hưởng thọ 80 tuổi. Ngôi mộ của ông đặt tại Suối Dầu Nha Trang theo đúng di chúc của ông. Người đời tỏ lòng ngưỡng mộ Yersin nên từng viết rằng: “À la mémoire du docteur Yersin: Il repose comme il a aimé vivre seul absolument seul.” Tạm dịch là: “Tưởng niệm bác sĩ Yersin: người an giấc như người đã thiết tha sống cô đơn rất đỗi cô đơn.”
Dalat canyon
Chân dung bác sĩ Yersin những năm đầu thế kỷ 19.
     Thế chiến thứ hai đã đưa Đà Lạt đến thời kỳ cực thịnh. Chiến tranh làm cho người Pháp không có phương tiện về chính quốc nghỉ mát nên họ tập trung lên Đà Lạt. Hàng hóa, mọi nhu cầu cung cấp cho họ không thể mang từ Pháp sang. Chính quyền Pháp tại Đông Dương quyết định chính sách tự túc. Hơn nữa, những giống rau, hoa, quả mang từ Pháp trồng rất tốt trên đất Đà Lạt. Lúc bấy giờ Đà Lạt là một “Tiểu Paris” (Petit Paris), là “Hoàng Triều Cương Thổ” (Domaine de la Couronne) - một mảnh đất dành riêng cho người Pháp và dòng dõi hoàng tộc, cũng như quan lại cao cấp triều đình Huế; một vương quốc biệt lập, ai muốn đến đều phải có sổ thông hành như đi ngoại quốc vậy. Thực chất, người Pháp lập Hoàng Triều Cương Thổ chỉ là một lối trá hình để biến vùng cao nguyên thành thuộc địa trực tiếp của Pháp. Vùng cao nguyên này có một tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược và kinh tế. Về chiến lược, nó nằm giữa ba quốc gia Việt, Cam Bốt, Lào nên là một ưu thế hiếm có. Về mặt kinh tế, có nhiều tài nguyên, khoáng sản chưa được khai phá và khai thác. Sau hiệp định Genève, Pháp rời khỏi Đông Dương. Dân số Đà Lạt tăng nhanh với lượng người di cư từ Bắc vào Nam. Khu thương mại trung tâm thành phố được xây cất khang trang hơn. Một số địa danh, đường phố được đổi tên từ Pháp sang Việt. Đà Lạt chuyển sang một giai đoạn mới. Đối với Đà Lạt, theo nhiều tài liệu cũ và mới, thì ngoài các bộ tộc thiểu số đã cư ngụ trước đó tại địa phương, bác sĩ Yersin từ lâu được công luận xem là người đầu tiên tìm ra Đà Lạt nói riêng và cao nguyên Lang Biang nói chung. Nhưng sau này có nhiều ý kiến mới. Có người cho rằng NGUYỄN THÔNG (1826-1894) trong thời gian làm chức dinh điền sứ ở Bình Thuận đã có lần thám hiểm vùng cao nguyên Lang Biang và tìm ra vị trí Đà Lạt 25 năm trước khi bác sĩ Yersin đặt chân đến đây. Ý kiến này nghe có vẻ hữu lý và thỏa mãn tự ái của nhiều người Việt, tuy nhiên thiếu bằng cớ xác thực, cần thêm chứng minh khoa học và cụ thể hơn. Phải công nhận rằng nếu không có nhu cầu điều dưỡng của thực dân Pháp tại Đông Dương thuở đó thì dù Nguyễn Thông có phát hiện ra địa điểm, Đà Lạt cũng chẳng có mặt như hiện nay. Thứ đến, chuyến thám hiểm năm 1893 của bác sĩ Yersin có liên quan đến việc tìm ra cao nguyên Lang Biang, lần đầu tiên được công bố có đoạn viết rằng: “Vùng đất nằm giữa bờ biển Trung Kỳ và sông Đồng Nai còn ít được biết đến. Hai nhà du hành, bác sĩ Néis và thiếu tá Humann đã đến vùng này trước ông Yersin”. Trong hồi ký “Sept mois chez les Mois.” (Bảy tháng nơi xứ Mọi) bác sĩ Yersin cũng đã nhiều lần nhắc đến hai nhà thám hiểm này.
     Bác sĩ Néis, y sĩ hạng nhất của hải quân Pháp, là một trong những người đầu tiên thám hiểm vùng núi rừng này năm 1880 và 1881 và đã mô tả tỉ mỉ cao nguyên Lang Biang và núi Delmann (thường được gọi là núi Voi) 12 năm trước bác sĩ Yersin. Sau đó mở đường cho nhiều chuyến thám hiểm khác trong vùng. Đặc biệt nhất là chuyến thám hiểm của thiếu tá Humann đến khu vực nguồn sông La Ngà vào năm 1884.
------------

[ Cẩm nang ] - 6 cách đối phó nạn cướp giật khi đi du lịch

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016 0 nhận xét


Đối phó với nạn cướp giật khi đi du lịch

Bị cướp giật là nỗi ám ảnh của tất cả mọi người khi đi du lịch. Hãy cùng tìm hiểu về cách đối phó với vấn nạn này nhé!
“Tụi tao vừa bị cướp, mất hộ chiếu, toàn bộ thẻ tín dụng và khá nhiều tiền” - đó là tin nhắn hai người bạn Áo gửi cho tôi khi họ tới TP HCM cách đây vài năm".
Là thành viên của Couch Surfing, cộng đồng homestay miễn phí toàn cầu, tôi vẫn thường đón tiếp và cho rất nhiều Tây balô đến từ khắp nơi trên thế giới ở nhờ. Một trong những điều đầu tiên tôi phải nói khi họ mới chân ướt chân ráo đến TP HCM, là luôn phải cẩn thận với cướp giật trên đường phố.
Lời khuyên của tôi cùng những bí kíp mà họ thủ sẵn trước khi đến Việt Nam dường như vẫn khó thoát khỏi nạn trộm cướp lộng hành. Sabine và Werner, hai người bạn Áo của tôi kể từ lần bị cướp trên, đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ trải nghiệm hãi hùng khi vừa dừng xe lại ở trạm xăng thì một tên cướp phóng vụt đến, giật chiếc túi họ đeo trên người. Cặp đôi này sau đó phải mất rất nhiều thời gian đi trình báo công an, đến trình báo tại lãnh sự quán tại TP HCM, rồi đi thêm chặng đường 2.000 km để nhận hộ chiếu mới tại Đại sứ quán tại Hà Nội.Trộm cắp xảy ra ở bất cứ đâu
Lần khác, hai cô gái đến từ Thuỵ Điển và Na Uy - Kiki và Marit - thất thần chạy về nhà báo với tôi vừa bị giật mất túi ngay giữa phố Tây Bùi Viện (quận 1, TP HCM). Tôi thở dài, cười buồn với đống bí kíp họ vừa đọc được trên một trong những trang mạng du lịch lớn nhất thế giới: “Không có mối nguy hại nào khi du lịch ở đây, không có chiến tranh, không có bão, không lũ, không có thảm hoạ thiên nhiên, cũng không có vấn đề chính trị nào, nhưng cảnh giác là luôn luôn cần thiết. Giữ tiền và thẻ trong túi, đừng đặt trong ngăn khóa an toàn của khách sạn. Cố gắng đừng đeo theo túi khi đi ra ngoài. Nếu nói chuyện điện thoại, đứng sát cạnh tường chứ đừng vừa đi bộ vừa nói. Cực kỳ cẩn trọng nếu có ai đó lái xe máy tiến sát lại gần...”.
dalat canyoning

Là “Ta ba lô” đã lang thang qua nhiều nơi chốn trên thế giới, tôi không bao giờ kết luận “Chỉ ở Việt Nam mới thế”. Nơi đâu cũng có người xấu và người tốt. Trộm cắp, cướp giật có thể xảy ra ở mọi nơi. Anh bạn tôi đã phải vất vả đuổi theo tên cướp túi ngay giữa thủ đô Havana (Cuba), và trở lại với đầu gối đầm đìa máu me sau khi giằng co với kẻ cướp. Hoặc lần khác, người bạn đồng hành trong chuyến đi Ai Cập bị đòn chỉ vì phản ứng lại một nhóm trai trẻ người Ai Cập ở thành phố Aswan khi họ lại gần và giở trò “giúp đỡ”, nhưng kỳ thực là lừa đảo và toan tính chôm chỉa.
Bản thân tôi từng bị ăn cắp tiền khi để túi ngay trong phòng khách sạn tại Bangkok (Thái Lan) khi xuống sảnh ăn sáng trong vòng nửa tiếng, rồi suýt bị cưỡng hiếp ở Cancun (Mexico). Tôi từng nhanh tay đưa 1 USD khi “được” một anh chàng da màu to kềnh “lịch sự” hỏi xin tiền ở thành phố Houston (bang Texas, Mỹ) mà bạn bè tôi đã cảnh báo là họ có dao trong người.
Phần lớn thời gian đi du lịch một mình với hai chiếc ba lô, là nữ, nhưng tôi ít khi gặp phải những rắc rối hoặc trường hợp cực kỳ nguy hiểm (ngoại trừ vài câu chuyện lẻ tẻ kể trên). Dân đi du lịch bụi dày dạn biết rằng, bất trắc thường chỉ tìm đến với những người thiếu kinh nghiệm. Bằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu về điểm đến cộng với một vài bí kíp dưới đây, bạn hoàn toàn có thể có được một chuyến đi an toàn và vui vẻ.
Không nên mang quá nhiều tiền mặt khi đi du lịch nếu bạn không muốn biến mình thành con mồi của những tên trộm cướp. Khi mang theo tiền, bạn nên chia nhỏ ra nhiều phần và cất giữ ở những vị trí khác nhau: bóp tiền, đế giày, đáy ba lô, kẹp trong sách, hoặc túi bao tử…

1. Giữ tiền thông minh
Luôn phải có thẻ credit và debit với một số tiền dự phòng trong trường hợp cấp bách. Rút tiền mặt bằng thẻ có thể chịu phí, nhưng an toàn hơn nhiều việc mang một lượng tiền mặt lớn trong người.
dalat canyoning

2. Luôn phải có kế hoạch dự phòng
Photocopy và scan lại hộ chiếu (up lên các công cụ trên mạng như Drive, Dropbox), phòng trường hợp bị trộm cướp đồ đạc và mất luôn hộ chiếu.
Luôn ghi sẵn địa chỉ, số điện thoại của cơ quan lãnh sự Việt tại nơi đến trong sổ tay, để liên lạc và nhờ giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
dalat canyoning

Nên liên lạc thường xuyên với ít nhất một người thân và bạn bè khi đi du lịch, để nhờ họ giúp nếu chẳng may bạn mất hết tiền bạc, hành lý.
Và không kém phần quan trọng, nhớ mua bảo hiểm du lịch trước khi đi.

3. “Vũ trang” bản thân không bao giờ thừa
Khả năng quan sát sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn du lịch đến một đất nước xa lạ. Luôn tin vào trực giác của mình. Nếu cảm thấy không an toàn, rời đi ngay lập tức.
dalat canyoning
Là nữ, tôi thường thủ sẵn trong người một bình xịt hơi cay. Tham gia lớp võ tự vệ trước một chuyến đi dài cũng là một ý không tồi.

4. Cảm thấy nguy hiểm hoặc bị quấy nhiễu: la lớn để gây sự chú ý
Nếu nhận thấy mình đang bị kẻ xấu tiếp cận và tìm cách chôm chỉa, đừng ngại lớn tiếng để những người xung quanh biết để họ đứng về phía bạn. Kẻ xấu chỉ thắng khi bạn lạc lõng và không có ai giúp đỡ. Với các bạn gái, nếu cảm thấy mình đang bị quấy nhiễu, đừng mắc cỡ hay im lặng cho qua, vì như vậy sẽ tạo cơ hội lớn cho những kẻ chôm chỉa hoặc cướp giật đạt được mục đích.
dalat canyoning

5. Tìm hiểu về nơi đến
Một điều rất quan trọng mà phần lớn nhiều người hay coi nhẹ là bạn nên biết mình đang chuẩn bị đến đâu và phong tục, tập quán, tình hình an ninh, chính trị tại nơi đó như thế nào. Những thông tin này luôn có sẵn trên mạng Internet hay các trang du lịch lớn như Lonely Planet, Wikitravel, hay website của các blogger du lịch, hoặc các loại sách hướng dẫn du lịch.
dalat canyoning

Những nguồn thông tin này sẽ luôn cảnh báo bạn nếu tình trạng trộm cướp, phiền nhiễu khách du lịch tại điểm đến quá phổ biến. Hỏi qua những người đã từng đi cũng là một nguồn thông tin hữu ích.
Theo Đinh Hằng/ news.zing.vn
----------------
Canyoning Vietnam: http://thuthachviet.com/tour/du-day-vuot-thac-datanla-2 

 
Viet Challenge - Thử Thách Việt © 2011 | Designed by Interline Cruises, in collaboration with Interline Discounts, Travel Tips and Movie Tickets